TRANG SINH HOẠT



Khoảnh Khắc cho người nhạc sĩ yêu nước Việt Khang


Tác giả: Kiều Trọng Tấn
Thể loại: sinh hoạt  đấu tranh

     Chiều ngày 29/9/2012, một buổi tiệc gây quỹ từ thiện cho các hội đoàn tại tiểu bang Nam Úc, do nhóm của ông Đặng Quốc Tuấn tổ chưc. Chương trình được sự góp mặt của các ca sĩ Thụy Kim, Băng Châu từ Melbourne và ca sĩ Sơn Ca từ Queensland đến.
     Đặc biệt trong chương trình văn nghệ tối nay, nhóm văn nghệ Nam Úc do ca sĩ Anh Chương điều khiển, đã dành một tiết mục trình bày hai bản nhạc nói về lòng yêu nước của người nhạc sĩ trẻ Việt Khang, đang bị nhà cầm quyền CSVN bỏ tù vì nội dung bản nhạc nói lên hành vi bán nước và nhu nhược của những người lảnh đạo CSVN trước thái độ xâm lăng của Trung Quốc.
     Khi tiết mục vinh danh lòng yêu nước của người ca nhạc sĩ Việt Khang bắt đầu, tôi đưa mắt nhìn quanh thấy tất cả quan khách trong hội trường đều hướng về sân khấu theo dỏi, khoảnh khắc nầy tôi xin ghi lại một cảm nhận như sau:
     * Ca sĩ Kim Loan với trang phục áo dài trắng, choàng chiếc khăn quàng cổ có hình cờ vàng ba sọc đỏ và cất cao tiếng hát nhạc phẩm Việt Nam Tôi Đâu.! Trong giây phút nầy, cảm nhận của chính tôi và hình như tất cả quan khách hiện diện, không khỏi xúc động khi sideshow trên sân khấu chiếu hình của người nhạc sĩ Việt Khang đội chiếc mũ lưỡi trai với khuôn mặt u buồn cho hiện tình đất nước trước hiểm họa vong quốc! Xúc động đến với mọi người “Việt Nam” hiện diện  tối nay, không chỉ ở hoàn cảnh tù đày của người nhạc sĩ, mà còn ở cái tài năng của Việt Khang và lòng yêu nước chân chính của tác giả nhạc phẩm Việt Nam Tôi Đâu. Bởi vì đang sống trong chế độ độc tài Đảng trị sắt máu của CSVN, ngoài việt Khang ra, kể cả những người nhạc sĩ ở hải ngoại, không ai dám sáng tác một nhạc phẩm mang tính chất đấu tranh trực diện với chế độ độc tài lấy nhà tù làm chính sách cai trị! Cũng chính ở giá trị chân chính và khí tiết của Việt Khang thể hiện trong nhạc phẩm của anh, mà chỉ trong một thời gian ngắn, nhạc phẩm“Việt Nam Tôi Đâu” , ra đời trên hệ thống Internet vào tháng 8/2011 đến bây giờ, số người nghe hơn nữa triệu, lời nhạc và tiếng hát của Việt Khang đã đi vào lòng người một cách nhanh chóng. Việt Khang đã viết từ tận đáy lòng sâu thẳm của mình cùng với nỗi đau ray rức của dân tộc Việt Nam đang trước hiểm họa xâm lăng của Trung Quốc!…Nỗi đau này không phải vì đói rét, cũng không phải vì vết thương bị cắt trên da thịt, mà nỗi đau của một người mất nước nỗi đau trăn trở hằng sâu trong tâm hồn người thanh niên yêu nước Việt Khang.
      Sống qua gần nữa đời người làm một công dân nước Việt, chính anh được sinh ra và lớn lên trong chế độ CHXHCNVN, anh không có hận thù trong tranh chấp Quốc Gia- Cộng Sản, nhưng vì anh đã thấm nghiệm được sự dối trá lừa đảo của chế độ độc tài CSVN mà anh đã mang thai nghén và sáng tác hai nhạc phẩm để đời: Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai. Vào đầu nhạc phẩm,  tác giả “Việt Nam Tôi Đâu” đã mở đầu với lời nhạc ai oán mà tiếng hát dể thương mang tính trữ tình của ca sĩ Kim Loan đã đưa vào lòng người nghe cảm xúc ấn tượng:
-  Việt Nam ơi thời gian quá nữa đời người, và ta đã tỏ tường rồi, ôi cuộc đời ngày sau tàn lửa khói…..
      Vâng! Nữa cuộc đời của người nhạc sĩ trẻ yêu nước, đã trải qua 36 năm từ ngày cả dân tộc Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản đến nay, Việt Khang đã nhìn thấy xã hội muôn ngàn mãnh đời đổ vỡ, tàn lụy, bị áp bức, bóc lột, đói khát mà đáng lẽ ra bất cứ một quốc gia nào “ngày sau tàn lửa khói” , hết chiến tranh, đều không thể lâm vào cảnh tượng đau đớn như Việt Nam dưới mỹ từ lừa dối của bọn lảnh đạo: Độc Lập-Tự Do-Hạnh Phúc!
      Khi còn tự do ngoài đời, những ngày tháng đi trình diễn trên muôn dặm nẻo đường quê hương, Việt Khang đã nhìn tận mắt mình những mảnh đời người dân Việt Nam khổ đau do hệ quả của chủ nghĩa cộng sản lạc hậu và quái đản. Việt Khang đã phải thốt lên:
- Mẹ Việt Nam đau từng cơn xót dạ nhìn đời, người lầm than đói khổ nghèo nàn, kẻ quyền uy giàu sang dối dang …
     Dù đau khổ chung với người dân nghèo sớm hôm tần tảo mưu sinh, nhưng Việt Khang không mang trong lòng nổi hận thù hay oán trách chế độ, mà người nhạc sĩ chỉ dùng dòng nhạc của mình diễn tả tâm trạng đau nhói ở tâm can hoà với lời ca thống thiết nói lên sự cách biệt bất hạnh của hai giai cấp một bên là người dân đói khổ thật thà, bên kia là kẻ quyền uy giàu sang dối dang, mà kẻ quyền uy đó chính là thành phần ngụy danh chuyên chính vô sản, là tầng lớp tư bản đỏ của bạo quyền Cộng sản Việt nam hiện nay đang trấn lột đồng bào.
     Còn tổ quốc Việt Nam thì sao? Việt Khang tự hỏi rằng:
- Giờ đây Việt Nam còn hay đã mất?
     Than ôi! Nếu còn, tại sao nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam lại để cho:
-  Bọn giặc Tàu ngang tàn trên quê hương ta
     Trong khi đó, một guồng máy khổng lồ của công an, bộ đội chỉ để phục vụ cho đảng cầm quyền mà không bảo vệ được ngư dân Việt Nam đến nỗi họ bị chết thê thảm, uất ức:
- Hoàng Trường Sa đã bao người dân vô tội, chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu!....
     Tiếp nối tiết mục vinh danh nhạc sĩ Việt Khang, là phần trình bày  nhạc phẩm Anh Là Ai, do ba ca sĩ Anh chương, Chu Thi và Kim Loan diễn đạt. Phần trình bày nhạc phẩm nầy đã hình tượng hóa một chế độ tàn nhẩn, dã man đàn áp những người dân yêu nước!
    Người nhạc sĩ nhìn cảnh đàn áp, bắt bớ, đánh đập  người biểu tình của những kẻ  mệnh danh Công An Nhân Dân, đã chạnh lòng sáng tác nhạc phẩm Anh Là Ai. Việt Khang hỏi những người gọi là Công An Nhân Dân của chế độ đương quyền:
- Xin hỏi anh là ai? Sao bắt tôi, tôi làm điều gì sai? Xin hỏi anh là ai? Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay. Xin hỏi anh là ai? Không cho tôi xuống đường để tỏ bày tình yêu quê hương này Dân tộc này đã quá nhiều đắng cay...
      Nhưng nhìn lại những người mặc sắc phục công an nhân dân của nước CHXHCNVN, cũng mũi tẹt da vàng., mang dòng máu Việt Nam, rồi Việt Khang khẻ hỏi:
- Xin hỏi anh ở đâu? Ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm. Xin hỏi anh ở đâu?Sao mắng tôi bằng giọng nói Dân tôi. Dân Tộc anh ở đâu sao đan tâm làm tay sai cho Tàu? Để ngàn sau ghi dấu bàn tay nào nhuộm đầy máu Đồng Bào.
      Thế rồi người nhạc sĩ yêu nước không thể làm ngơ trước viễn ảnh mất nước do những người lãnh đạo hèn nhát, bán nước... Việt Khang dùng dòng nhạc của mình đánh động lòng người dân:
- Tôi không thể ngồi yên khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng. Dân Tộc tôi sắp phải đắm chìm một ngàn năm hay triền miên tăm tối.!Tôi không thể ngồi yên để đời sau cháu con tôi làm người,cội nguồn ở đâu khi Thế giới này đã không còn Việt Nam.!
     Dù biết rằng trên hành trình đấu tranh giữ nước của Việt Khang phải trải qua cảnh tù đày gian khổ. Nhưng vì viễn ảnh tổ quốc VN đã không còn hiện hữu trước một bạo quyền chỉ biết hiếp đáp người dân, chỉ biết bóc lột giàu có dối gian, trong khi ngoại xâm đang thật sự hống hách trên quê mẹ Việt Nam... Nên  Việt Khang dùng tiếng hát sâu xoáy của mình như tiếng kêu của con quốc quốc trong đêm thâu kêu gọi lòng yêu nước của mọi người.  Một giọng hát từ đáy lòng sâu thẳm của tâm hồn, lời ca cao vút của anh như những nhát dao cắt lòng những ai đang trăn trở trước nguy cơ của dân tộc, anh đã buông tiếng hát nói lên phần hồn của bản nhạc mà đó cũng là ước nguyện của đồng bào...
    Riêng trong chương trình văn nghệ gây quỹ tối nay, ban tổ chức đã làm một nghĩa cử cao quí nhằm vinh danh người ca nhạc sĩ giàu lòng yêu nước Việt Khang. Đối với cá nhân tôi, nhận xét về tiết mục hát hai nhạc phẩm của Việt Khang: Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai, rất có ý nghĩa. Bởi vì chỉ một khoảnh khắc nghe lại hai nhạc phẩm nầy,  những người tham dự buổi tiệc gây quỹ tối nay, ắt hẳn phải cảm xúc và suy nghĩ về bối cảnh hiện nay của người dân Việt Nam trong chế độ độc tài CSVN.! Nhân đây, tôi xin gởi lời cám ơn đến ban tổ chức đã thực hiện một nghĩa cử góp phần vào công cuộc đấu tranh cho Tự Do và Dân Chủ Việt Nam.
    Thêm nữa, tôi xin đính kèm bài thơ của một nhà đấu tranh trong nước: Điếu Cầy, nói lên nỗi niềm của những người tù trong chế độ CSVN, như một chia sẻ tinh thần yêu nước của nhạc sĩ Việt Khang:

 Những Dòng Sông Tranh Đấu
Điếu Cầy

Đêm đêm trong lao tù,
Tôi bỗng mơ thấy những dòng sông lạ.
Những dòng sông cuộn sôi hối hả,
Trên những nẻo đường đổ về trung tâm,
Những dòng sông lại gặp những dòng sông,
Hòa thành biển lũ.
Sóng biển trào dâng đòi Tự do Dân chủ,
Sóng cuốn phăng đi - thành lũy lũ độc tài,
Những dòng sông chảy mãi tới tương lai,
Chúng tôi đi, hòa cùng dòng sông,
Như những hạt phù sa, một phần bé nhỏ,
Cuộc đời tôi từ nay gắn bó,
Với dòng sông tranh đấu của quê hương,
Những dòng sông sinh viên xuống đường,
Chống quân Bắc triều xâm lược
Những dòng sông Công nhân
Hàng triệu người nhịp bước,
Đòi tăng lương, đòi tự lập công đoàn.
Những dòng sông của hàng triệu dân oan,
Đòi lại đất đai ruộng vườn bị mất.
Những dòng sông giáo dân,
Nguyện cầu đòi đất,
Tòa Khâm Sứ, La Vang, Giáo xứ Thái Hà...
Khơi dòng sông Tâm linh tuôn chảy đến mọi ngã,
Thắp nến hiệp thông cùng chung lời nguyện ước
Chống bất công, chống tham nhũng độc tài,
Như Lê Thị Công Nhân như Nguyễn Văn Đài
Nay giúp dân oan, mai hướng dẫn sinh viên hiểu biết về dân chủ,
Chúng tôi đi vì quyền dân chưa đủ,
Dù bị bắt giam trong lao ngục đọa đầy
Những dòng sông vẫn không nghỉ một ngày
Chạy về phía TỰ DO DÂN CHỦ.

 

      Nam Úc, 29/9/2012
      Kiều Trọng Tấn